Hiện trạng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

07/06/2023

Theo một khảo sát của S&P Global Electronics PMI, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu đã có sự tăng trưởng tích cực kể từ giữa năm 2020 – khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị điện tử tiêu dùng để các doanh nghiệp có thể thiết lập phương án làm việc từ xa.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

HIỆN TRẠNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM

Theo một khảo sát của S&P Global Electronics PMI, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu đã có sự tăng trưởng tích cực kể từ giữa năm 2020 – khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị điện tử tiêu dùng để các doanh nghiệp có thể thiết lập phương án làm việc từ xa.
Ngành công nghiệp điện tử đã đóng góp một phần đáng kể vào sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất đến từ các công ty đa quốc gia như Samsung, Foxconn và Intel, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu ngành hàng điện tử hàng đầu trên thế giới. Vào năm 2020, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 12 trên thế giới từ vị trí thứ 47 vào năm 2001 và đứng thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu ngành điện tử.
Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao nhờ nỗ lực tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu và tham gia mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại tự do. Chính vì vậy, Việt Nam đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử.
Tổng quan về ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
Với tỷ trọng 17.8% trong toàn ngành công nghiệp, ngành công nghiệp điện tử hiện đang là ngành công nghiệp sản xuất then chốt và đang trên đà phát triển mạnh mẽ để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam.

Nhóm ngành hàng điện tử, máy tính và linh kiện

a. Xuất khẩu

Năm 2016-2020 là giai đoạn ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ nhất khi kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam tăng trưởng liên tục, với tốc độ tăng trưởng trung bình 23.8% một năm. Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, vào năm 2019 nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam – vượt qua cả ngành công nghiệp dệt may với giá trị xuất khẩu đạt 36.3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13.7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhóm ngành hàng này vẫn phát triển bền vững khi sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này lần lượt ước tính đạt 44.6 tỷ và 51 tỷ USD vào năm 2020 và 2021. Các thị trường xuất khẩu chính của nhóm ngành hàng này chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

b. Nhập khẩu

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các loại linh kiện phục vụ cho sản xuất. Các thị trường chính nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử của Việt Nam gồm có: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, các nước ASEAN, Hoa Kỳ và EU.
Giá trị kim ngạch nhập khẩu của nhóm ngành hàng máy vi tính và linh kiện điện tử 9 tháng đầu năm 2022 đạt 63.97 tỷ USD, dẫn đầu là Trung Quốc và Hàn quốc với giá trị nhập khẩu lần lượt là 18.74 tỷ USD và 18.27 tỷ USD.

Nhóm ngành hàng điện thoại và linh kiện điện tử

a. Xuất khẩu

Trong thời gian từ năm 2010 – 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng điện thoại và linh kiện điện tử tăng 9.2 lần, đưa nhóm ngành hàng này dẫn đầu trong các nhóm ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ 2013 đến nay.
Năm 2021, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57.7 tỷ USD, tăng 12.4% so với năm 2020 và chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2022, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70.1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất với 55.4 tỷ USD – tăng 6.6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu của ngành điện tử Việt Nam cũng đang mở rộng với việc xuất khẩu điện thoại tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, ASEAN, Hồng Kông, Ấn Độ…
Với kết quả trên, nhóm ngành hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16.2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng đầu năm 2022.

b. Nhập khẩu

Năm 2020 và 2021 – thời điểm dịch Covid còn căng thẳng, do nhu cầu làm việc tại nhà tăng cao nên giá trị nhập khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện điện tử đã có sự tăng trưởng từ 16.65 tỷ USD lên 21.4 tỷ USD, tăng 28,8% so với năm 2020 và chiếm trên 6,55% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam, giá trị kim ngạch nhập khẩu của nhóm ngành hàng điện thoại và linh kiện điện tử 9 tháng đầu năm 2022 đạt 15.78 tỷ USD từ các thị trường nhập khẩu lớn lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản.
 

Làn sóng FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp điện tử

Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới như Samsung, LG, Petragon, Intel, Meiko, Foxconn, Goertek, Canon đã tin tưởng đầu tư và xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam từ nhiều năm trước đây. Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra đã có một làn sóng dịch chuyển nhà máy và cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á mà trong đó, Việt Nam nổi lên là một điểm đến nổi bật.
Kể từ ngày xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam trị giá 670 triệu USD, cho tới nay Samsung đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại đây với tổng giá trị đầu tư lên đến 19 tỷ USD. Sắp tới, Samsung cũng có dự định đầu tư thêm 3.3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay. Với việc đầu tư thêm nhà máy sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2023, điều này đã đánh dấu mảng kinh doanh sản xuất thứ ba của Samsung tại Việt Nam sau mảng điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng.
Vào năm 2021, Tập đoàn LG đã hai lần tăng vốn ở nhà máy LG Display. Foxconn sau khi đầu tư thêm 270 triệu USD đã lên kế hoạch đầu tư lên đến 300 triệu USD để mở rộng nhà máy và rất có thể trong tương lai sẽ sản xuất iPad, Apple Watch tại Việt Nam. Về công ty Goertek cho đến nay đã nhanh chóng nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD.
Trích lời nhận xét của GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: “Việc các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn hàng đầu về công nghệ, như Samsung, Intel hay LG đang là một xu hướng tích cực. Điều này cho thấy, không chỉ nhà đầu tư đã đầu tư có đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam, mà cả các nhà đầu tư tiềm năng cũng đánh giá cao tính ổn định của chúng ta. Việt Nam sắp tới không chỉ thu hút vốn đầu tư vào các ngành truyền thống, mà còn vào những ngành ‘hot’ trên thế giới như sản xuất chip công nghệ. Cơ hội sẽ mở ra để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu”.

Khó khăn và thách thức

Được coi là có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy vậy ngành công nghiệp điện tử hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Dù kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử chiếm tỉ trọng cao và Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới nhưng có đến 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia đang đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản…đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Do tỉ lệ nội địa hóa còn thấp, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu của chuỗi sản xuất các sản phẩm điện tử, phần lớn chỉ tập trung vào lắp rắp các bộ phận, gia công đơn giản. Phần lớn hàng điện tử trên thị trường là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng các linh kiện nhập khẩu, mang tính công nghệ thấp và có giá trị gia tăng thấp. Một phần do ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử chưa thực sự phát triển, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, chất lượng và mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Có thể thấy rằng, những hạn chế trong ngành công nghiệp điện tử cùng với những khó khăn, thách thức nêu trên đã và đang là những rào cản đối với sự phát triển của ngành. Vì thế, điều cần thiết cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong thời kì chuyển đổi số hiện nay là sự nỗ lực trong việc cải thiện năng lực sản xuất, công nghệ, quản trị sản xuất và quản lý chất lượng.

Triển vọng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Trong buổi tọa đàm chủ đề “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử” diễn ra vào 4/10/2022, ông Phạm Tuấn Anh – Phó cục trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, ngành điện tử Việt Nam đang nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh những thay đổi liên tục trong đầu tư toàn cầu và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Việc kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh và đưa các hoạt động kinh tế – xã hội trở lại bình thường đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình theo xu hướng chiến lược “Trung Quốc + 1” giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và các xung đột chính trị khác trên thế giới.
Không chỉ là điểm đến cho các trung tâm sản xuất, Việt Nam còn là điểm dừng chân của nhiều trung tâm R&D của các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới. Những trung tâm R&D này sẽ giúp cho ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam thêm phát triển và phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong tương lai. Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam đã tăng mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế. Việc các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất tại Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới.
Việc tham gia vào nhiều hiệp định FTAs lớn như EVFTA, UKFTA, CTPPP… cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ là những thách thức về năng lực sản xuất, quy chuẩn quốc tế từ các đối tác nước ngoài.
Chính vì vậy, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA): “Chính phủ Việt Nam cần có những tư vấn cụ thể cho doanh nghiệp về tình trạng gian lận xuất xứ, cũng như đảm bảo về hàng rào kỹ thuật theo cam kết quốc tế mà ít tổn hại nhất đến doanh nghiệp trong nước.”
 
(Nguồn: VCCI)
 

--
Oristar - Cung cấp kim loại hàng đầu khu vực Châu Á;
Các dòng sản phẩm chính: Đồng, Nhôm, Thép;
Các mã sản phẩm chính Oristar đang cung cấp: nhôm hợp kim, đồng hợp kim, nhôm tấm hợp kim, nhôm cuộn mác, thép công cụ, thép đặt biệt: A5052, A6061, A7075, C1100, C2680, C3604, SUS303, SUS304, SKD11, SKD61,...
Quý Khách hàng cần tư vấn về sản phẩm vui lòng liên hệ:
Hotline: 098 875 06 86
Email: info@oristar.vn
Zalo OA
Website E-commerce
Official Website

 

Bài viết tương tự